Hải sản là nguồn thực phẩm đa dạng dưỡng chất, nhưng nếu cho trẻ ăn không đúng cách, có thể gây ra các biến chứng như dị ứng, tiêu chảy, ngộ độc...
Một số lời khuyên sau đây của bác sĩ Lê Hải – Viện Dinh dưỡng quốc gia, sẽ giúp cha mẹ cho con dùng loại thức ăn này một cách hợp lý.
♣️ Bắt đầu cho ăn khi nào? Không nên cho trẻ ăn trước 6 tháng tuổi, vì dễ gây tiêu chảy và dị ứng. Từ tháng thứ 7 trở đi, mới bắt đầu cho bé ăn. Ban đầu, chỉ cho ăn ít một để bé thích nghi dần. Sau đó, bạn cần theo dõi xem hệ tiêu hóa của con có tốt không, bé có bị tiêu chảy hay dị ứng với hải sản không. Nếu không có dấu hiệu nào bất thường, mới nên cho bé tiếp tục làm quen với những đồ hải sản khác.
♣️ Loại hải sản đầu tiên: Ban đầu, nên tập cho bé ăn những loại ở sông (như cá, tôm…), vì khả năng gây ngộ độc hay dị ứng của chúng thấp hơn các loại từ biển. Cá quả (cá lóc) dễ ăn nhất, dễ hấp thu và nhiều đạm. Tiếp đến, bạn cho trẻ thử những loại khác như tôm, mực, cua… Khi bé trên một tuổi, mới bắt đầu cho ăn các loại hải sản vỏ cứng như ngao, sò, ốc, hến… Bạn cần lưu ý là, không nên cho con ăn trực tiếp hoặc liên tục một món. Các loại hải sản cần được xay nhuyễn, chế biến cùng thức ăn khác như cháo, bột.
♣️ Cho ăn bao nhiêu? Hải sản rất giàu dinh dưỡng, nhiều đạm, nên cho trẻ ăn quá nhiều hay quá ít đều không tốt. Nếu ăn quá nhiều, có thể gây mất cân bằng dinh dưỡng và tích trữ kim loại nặng trong cơ thể. Tuỳ theo độ tuổi mà lượng ăn mỗi bữa của trẻ khác nhau, nhưng chỉ nên ăn từ 3 – 4 bữa/tuần. Từ 7 – 12 tháng tuổi, mỗi lần ăn 20 – 30g thịt hải sản, từ 1 – 3 tuổi, là 30 – 40g/lần ăn, trên 4 tuổi, có thể cho trẻ ăn khoảng 60g/lần.
♣️ Chọn lựa hải sản: Các loại hải sản ôi, chết…, thường sinh ra chất histamin và một số độc tố khác, khiến người dùng dễ bị dị ứng, tiêu chảy, thậm chí là ngộ độc. Vì thế, cần chọn lựa được nguồn hải sản tươi ngon, có nguồn gốc rõ ràng cho con trẻ. Với các loại cá, nếu mắt trong suốt, toàn thân sáng bóng sẽ là tươi ngon. Tôm tươi thì vỏ và thịt gắn liền nhau, thân tôm toàn vẹn, sáng bóng và có tính đàn hồi. Cua và các loại ngao tươi là có vỏ ngoài sáng, thân chắc. Đồ hải sản tươi thường có có mùi tanh tự nhiên, nếu có mùi tanh hôi, chứng tỏ thịt đang phân hóa và “hết date” sử dụng.
◊ Cách chế biến: Nên lọc lấy thịt, rồi xay hoặc nghiền nhỏ để nấu cùng thức ăn dặm (bột, cháo) cho trẻ dưới một tuổi. Với trẻ lớn hơn, có thể chiên xào, hấp. Tuy nhiên, bạn cần hạn chế chiên, rán, ninh nhừ… vì như vậy, các vitamin trong hải sản sẽ bị giảm thiểu, các dưỡng chất có thể bị biến đổi thành những chất gây hại cho sức khỏe của trẻ. Luộc hay hấp là cách chế biến tốt nhất, vừa ngon mà lại giữ được nhiều loại vitamin.
◊ Những loại không nên cho ăn: Đó là các loại chứa hàm lượng thủy ngân cao như cá mập, cá kình, cá kiếm, cá ngừ, cá thu lớn. Ngoài ra, cũng cần hạn chế một số loại nuôi theo kiểu nông nghiệp như cá hồi, tôm… (vì có thể chứa chất gây hại Polychlorinated biphenyls hoặc vi khuẩn độc Salmonella).
◊ Nếu trẻ bị dị ứng: Không ít trường hợp, trẻ bị dị ứng với đồ hải sản. Nếu sau khi ăn, trẻ có các biểu hiện như tiêu chảy, nổi ban, nôn ói…, bạn cần đưa bé đi gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Sưu tầm